Chủ động ứng phó trước khi thiên tai xảy ra

Đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng ban Thưởng trực Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai Hoàng Văn Thắng tại hội nghị “Phòng chống thiên tai khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc” diễn ra sáng ngày 01/6/2017 tại Hà Nội.

Theo báo cáo từ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra tại các tỉnh miền núi nói chung và miền núi phía Bắc nói riêng là thách thức nhiều năm qua và chưa được giải quyết triệt để. Vẫn còn tình trạng thiệt hại lớn về người khi xảy ra lũ quét, sạt lở đất hoặc thiệt hại xảy ra sau bão ở nhiều địa phương do tâm lý chủ quan của người dân cũng như việc tuyên truyền, kiểm tra, giám sát của chính quyền các cấp, nhất là ở cấp cơ sở chưa sâu sát, quyết liệt, cũng như do đại bộ phận dân cư miền núi là dân tộc ít người, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, sinh kế của người dân chủ yếu dựa vào làm nương rẫy, sống du canh, du cư, vì vậy việc tiếp cận thông tin về thiên tai, mưa lũ gặp nhiều khó khăn.

                                                    Toàn cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng công tác dự báo và cảnh báo mưa lũ chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, như mật độ trạm đo mưa còn thưa, công nghệ dự báo chưa hiện đại. Ngoài ra, công tác di dời dân sống ở khu vực nguy cơ cao về thiên tai còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu quỹ đất, địa điểm di dời đến cũng tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn; tập quán và điều kiện sinh sống tại nơi ở mới không phù hợp nên nhiều hộ dân không chịu di chuyển; kinh phí cho các dự án di dân vùng thiên tai chưa đáp ứng  so với nhu cầu, nhiều dự án bị kéo dài, hiệu quả không cao….

 

              Thứ trưởng- Phó trưởng ban TT BCĐ TW về PCTT phát biểu tại hội nghị

 

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Hoàng Văn Thắng cho biết, thiệt hại về người và tài sản do thiên tai tại các tỉnh miền núi nói chung và miền núi phía Bắc nói riêng, là thách thức đã nhiều năm và chưa giải quyết triệt để cũng như đạt được các kết quả như mong đợi. Do đó, trên cơ sở nhận định tình hình thiên tai khu vực miền núi của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong năm 2017 và các năm tiếp theo, với mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, không để xảy ra các thiệt hại đáng tiếc do chủ quan, phải kiên trì thực hiện tốt theo phương châm 4 tại chỗ, khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên để hướng tới sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đề nghị các đơn vị liên quan tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó trọng tâm là nâng cao chất lượng dự báo khí tượng thủy văn và cảnh báo, truyền tin về thiên tai, đặc biệt là mưa lũ; xác định rõ các dạng hình thiên tai, với phương châm 4 tại chỗ, chủ động các giải pháp ứng phó trước khi xảy ra thiên tai; Đẩy mạnh lồng ghép nội dung PCTT vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế – xã hội của các địa phương.

Tập trung triển khai công tác khảo sát, đánh giá, phân vùng đến cấp xã, thôn, khu dân cư về rủi ro của lũ quét, sạt lở đất. Xây dựng mô hình “Cộng đồng an toàn” gắn với thực hiện tiêu chí phòng chống thiên tai tại chỗ. Xây dựng tiêu chí công trình an toàn trước thiên tai, đặc biệt là nhà ở, trên cơ sở này thực hiện rà soát đánh giá và di dời hoặc nghiêm cấm xây dựng công trình, nhà ở tại nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; Đẩy mạnh thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững với mục tiêu nâng cao độ che phủ trong năm 2017 lên con số 51,3%. Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình bố trí dân cư giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng năm 2025, nhằm bảo đảm an toàn về nơi cư trú cho cư dân vùng ảnh hưởng thiên tai.

# Theo báo cáo của BCĐ TW về PCTT: Trong năm 2016, khu vực miền núi phía Bắc từ Hà Tĩnh trở ra đã chịu ảnh hưởng và bị thiệt hại của 24 đợt rét đậm, rét hại (đặc biệt là đợt rét hại, băng giá lịch sử tháng 01/2016), 04 trận bão và mưa lũ (bão số 1, 2, 3, 4), dông lốc, mưa đá. Thiên tai khu vực 18 tỉnh đã làm 109 người chết và mất tích; 937 nhà bị đổ, sập, trôi, 44.222 nhà bị ngập, hư hại; trên 134.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 37.180 con gia súc và 127.534 con gia cầm bị chết; 56.128m kênh mương, trên 1 triệu m3 đất đá đường giao thông bị sạt lở, hư hại. Tổng thiệt hại vật chất ước tính trên 5.800 tỷ đồng.

Văn phòng thường trực BCĐ TW PCTT

Bài viết liên quan:

Công văn số 61/BCH-PCTT ngày 28/9/2024 về việc ứng phó với mưa lớn trên địa bàn tỉnh Yên Bái

Báo cáo số 63/BC-BCH ngày 20/9/2024

Công văn số 60/BCHPCTT ngày 19/9/2024

Công văn số 58/BCH-PCTT ngày 13/9/2024 V/v đảm bảo an toàn hạ du khi vận hành hồ thủy điện Thác Bà

Báo cáo số 46/BC-BCH ngày 12/9/2024