Đổi mới tư duy và cách tiếp cận trong ứng phó thiên tai

Toàn cảnh Hội nghị

 

Tại hội nghị, ông Văn Phú Chính, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đọc thư của Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi đồng bào, chiến sỹ cả nước nhân 71 năm ngày truyền thống phòng chống thiên tai của Việt Nam.

Các đại biểu đã cùng nhau nhắc lại những kết quả nổi bật về ứng phó thiên tai trong những năm qua. Nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các Bộ ngành các thành phần kinh tế và toàn dân, ứng phó thiên tai thời gian qua có sự chuyển biến rõ rệt chuyển từ bị động sang chủ động. Số người thiệt mạng trước, trong và sau thiên tai đã giảm dần qua các năm. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp và bất thường do tác động của biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế – xã hội, vấn đề ứng phó thiên tai cần chủ động hơn, nhất là công tác chỉ đạo, phòng ngừa ứng phó và khắc phục hậu quả sau khi thiên tai xảy ra. Trong đó, nhanh chóng kiện toàn hoàn thiện bộ máy phòng chống thiên tai từ Trung ương đến địa phương, nâng cao năng lực, tăng cường vật chất, trang thiết bị trong ứng phó thiên tai. Đại tá Trần Dương Kiên, Trưởng phòng cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đề xuất:

Đề nghị các đơn vị và các địa phương cần có biện pháp tích cực chủ động trong phòng chống thiên tai không để bị động trong ứng phó các loại hình thiên tai. Thực hiện tốt “phương châm 4 tại chỗ” tạo sức mạnh tổng hợp ứng phó thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong đó phải lấy phương châm “phòng là chính”, ứng phó phải kịp thời, cứu giúp được dân, đảm bảo an toàn cho lực lượng phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn.

 

Thứ trưởng, Tổng cục trưởng TCTL Hoàng Văn Thắng chỉ đạo tại Hội nghị

 

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng, trong bối cảnh mới, việc ứng phó thiên tai phải đổi mới tư duy và cách tiếp cận. Ứng phó thiên tai không chỉ đơn thuần là chống mà phải chủ động những giải pháp giảm thiểu rủi ro thiên tai. Trong xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế phải lồng ghép các phương án phòng chống thiên tai, đi kèm với đó là tăng cường cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của mọi người dân về ứng phó thiên tai. Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nêu rõ:

Các biện pháp hành động trước, chủ động phòng tránh là rất quan trọng, mức độ ứng phó sẵn sàng cần được xây dựng theo các kịch bản, phân rõ vai trò của từng cấp, từng ngành. Phát triển phải gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và đặc biệt là phục hồi các hệ sinh thái, dùng những biện pháp dựa vào hệ sinh thái như: chống sạt lở bằng bù cát (bổ sung thêm cát), phục hồi rừng ngập mặn, áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro thiên tai một cách tổng hợp. Trước đây chúng ta nặng về các giải pháp phi công trình như: xây hồ, đập, đê, các trạm bơm tiêu úng trong bối cảnh hiện nay nếu chỉ chú trọng giải pháp về công trình sẽ không đạt hiệu quả cao mà phải tiến hành các giải pháp tổng hợp trước diễn biến thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường không theo quy luật tự nhiên.

Thông tin về diễn biến thời tiết trong mùa mưa bão năm 2017, ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia lưu ý, mùa mưa ở các tỉnh phía Nam xuất hiện sớm và dồn dập. Cảnh báo lũ lụt tại các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vào cuối năm có khả năng khốc liệt và nhiều. Trên biển Đông xuất hiện nhiều áp thấp và bão, tuy nhiên số cơn bão ảnh hưởng đến Việt Nam ít hơn, khoảng 4-5 cơn tập trung ở miền Bắc và miền Trung.

Bế mạc Hội nghị, ông Trần Quang Hoài đã đề nghị các cơ quan, đơn vị công tác trong lĩnh vực Phòng chống thiên tai tiếp tục phát huy truyền thống của hơn 70 năm qua, nỗ lực nhiều hơn, thể hiện vai trò của mình nhiều hơn trong công tác chỉ đạo điều hành đưa ra các giải pháp phù hợp để chủ động phòng chống thiên tai theo phương châm bốn tại chỗ hoàn thành nhiệm vụ của Đảng và nhà nước giao phó. Ông Trần Quang Hoài cũng ghi nhận, đánh giá cao vai trò của các cán bộ, đặc biệt cán bộ nữ làm công tác phòng chống thiên tai thời gian qua đã vượt qua những khó khăn hiện tại về điều kiện cơ sở vật chất và chế độ đãi ngộ để hoàn thành nhiệm vụ nhiều khi rất khó khăn trong mùa mưa bão. Trong thời gian tới, với 10 nhiệm vụ trọng tâm mà Ban chỉ đạo đã đề ra, các cấp các ngành cần phải đổi mới, sáng tạo hơn nữa để phù hợp với công tác phòng chống thiên trong giai đoạn tới./.

(Nguồn tin: Website Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai)

Bài viết liên quan:

Báo cáo số 07/BC-BCH ngày 20/4/2024

Báo cáo nhanh số 06/BC-BCH ngày 18/4/2024

Công văn số 16/BCH-PCTT ngày 17/4/2024 Về việc ứng phó với mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Công văn số 14/BCH-PCTT ngày 04/4/2024 về việc ứng phó với mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Công văn số 11/BCH-PCTT ngày 28/3/2024 về việc chủ động ứng phó với mưa dông, lốc, sét và gió giật mạnh